Nguồn phát sinh mùi trong sản xuất công nghiệp:

  • Mùi từ nguyên liệu sản xuất của các ngành chế biến thủy hải sản, bột tôm, cao su, hóa chất… có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo. Các nguyên liệu sản xuất bản thân đã có mùi đặc trưng hoặc phát sinh mùi do sự phân hủy các hợp chất hữu cơ trong quá trình vận chuyển, lưu trữ.
  • Mùi từ quá trình sản xuất công nghiệp từ các xưởng, nhà máy, ,bếp công nghiệp. Trong quá trình sản xuất, mùi hóa chất, phụ phẩm hoặc mùi hữu cơ phát sinh trong công đoạn sản xuất chế biến như đốt nóng, sấy, chưng cất, , phun sơn, các phương pháp nấu nướng, …
  • Mùi sinh ra từ hệ thống xử lý nước thải do bay hơi và lên men sinh học tại khu vực các bể: thu gom, điều hòa, tách dầu mỡ, lắng, xử lý bùn, xử lý hiếu khí, xử lý kỵ khí…

Mỗi trường hợp cần xử lý mùi đều phải hiểu rõ nguồn phát sinh mùi và ứng dụng công nghệ, phương pháp xử lý đúng để đạt hiệu quả cao.

Công nghệ xử lý mùi:

Các công nghệ xử lý mùi có thể được phân thành ba loại, đó là các loại sử dụng hóa chất (oxy hóa nhiệt, oxy hóa xúc tác, ozon hóa), vật lý (ngưng tụ, hấp phụ, hấp thụ, tĩnh điện) và sinh học (biofilters, biotrickling filters, bioscrubbers và các phương pháp xử lý sinh học khác)

Các phương pháp xử lý mùi:

  • Phương pháp đơn giản nhất và thủ công nhất là làm loãng khí thải có mùi bằng cách nâng cao chiều cao ống khói thải lên không trung, hòa thêm lượng không khí tự nhiên vào ống khói thải. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp làm loãng mùi ra môi trường chứ không phải là phương pháp lọc sạch mùi.
  • Phương pháp hấp phụ các chất có mùi bằng các loại chất hấp phụ như than hoạt tính (active carbon), đất xốp. Phương pháp hấp phụ được sử dụng chủ yếu trong các trường hợp sau:
    -Xử lý mùi đối với khói, khí thải trước khi thải ra môi trường;
    -Xử lý mùi đối với không khí ngoài trời trong các hệ thống thông gió thổi vào để cấp khí sạch trong nhà xưởng chế biến, sản xuất.
    -Xử lý mùi đối với không khí tuần hoàn: trong hệ thống điều hoà không khí hoặc sưởi ấm bằng gió nóng, lọc mùi trong nhà ăn, phòng bếp.
  • Phương pháp hấp thụ những chất có mùi bằng các dung dịch hoá chất, ví dụ sử dụng tháp hấp thụ ướt. Quá trình hấp thụ có hai dạng: Hấp thụ vật lý: là quá trình hoà tan mùi vào chất lỏng, không có sự thay đổi về thành phần hoá học. Hấp thụ hoá học: là quá trình biến đổi mùi và chất độc thành chất khác do phản ứng hoá học giữa chất hấp thụ và chất được hấp thụ.
  • Phương pháp UV (thiết bị đèn UV khử mùi). Năng lượng của tia UV C có thể phá vỡ được hầu hết các các hợp chất hữu cơ hoặc vô cơ, hợp chất có mùi như benzen, toluene. Dưới sự tác động của tia tử ngoại, những chất độc hại này bị phân huỷ, phá vỡ cấu trúc, biến đổi thành các chất thân thiện như CO2 và H2O.
  • Phương pháp tĩnh điện: tạo điện trường để ion hóa và bắt giữ các hạt lỏng và rắn chứa phân tử mùi.
  • Phương pháp ôxi hoá các chất có mùi bằng các chất ôxi hoá mạnh như ozone công nghiệp. Oxi trong không khí sau khi đi qua thiết bị ozone tạo ra oxi nguyên tử, oxi nguyên tử này kết hợp với oxi không khí tạo ra Ozone (O3) có cấu trúc không bền vững nên dễ bị phân tách thành O2 và O, Nguyên tử O có tính oxi hoá cực mạnh, có khả năng kết hợp với các phân tử gây mùi tạo thành chất mới không gây hại. Phương pháp này có thể kết hợp với tháp hấp thụ nhằm xử lý mùi phát sinh từ nhà xưởng, mùi khói bếp công nghiệp, xưởng sơn, mùi nhà rác… với nồng độ và diện tích lớn.
  • Phương pháp thiêu huỷ các hợp chất có mùi bằng lò đốt hoặc các các lò phản ứng xúc tác. Là phương pháp dùng nhiệt lượng để xử lý mùi. Có thể đốt trực tiếp đảm bảo nhiệt độ từ 600-800oC và dùng khí thiên nhiên để đốt, trong trường hợp có xúc tác , nhiệt độ duy trì ở mức 250-450OC.
    Sản phẩm của quá trình oxi hoá mùi là H2O, CO2 và một số thành phần khác như Nox, SOx.
  • Phương pháp sử dụng các loại chất phụ gia nhằm hạn chế phát sinh mùi (hợp chất kháng mùi) hoặc làm giảm cảm giác khó chịu về mùi (hợp chất che mùi).
  • Phương pháp sinh học: phát triển vi khuẩn ăn chất béo, hữu cơ để xử lý mùi thối (từ khí H2S).
  • Phương pháp ngưng tụ (hay làm lạnh nhằm ngưng tụ các chất gây mùi, hạn chế sự bay hơi.