Các phương pháp xử lý mùi

Nguồn phát sinh mùi trong sản xuất công nghiệp:

  • Mùi từ nguyên liệu sản xuất của các ngành chế biến thủy hải sản, bột tôm, cao su, hóa chất… có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo. Các nguyên liệu sản xuất bản thân đã có mùi đặc trưng hoặc phát sinh mùi do sự phân hủy các hợp chất hữu cơ trong quá trình vận chuyển, lưu trữ.
  • Mùi từ quá trình sản xuất công nghiệp từ các xưởng, nhà máy, ,bếp công nghiệp. Trong quá trình sản xuất, mùi hóa chất, phụ phẩm hoặc mùi hữu cơ phát sinh trong công đoạn sản xuất chế biến như đốt nóng, sấy, chưng cất, , phun sơn, các phương pháp nấu nướng, …
  • Mùi sinh ra từ hệ thống xử lý nước thải do bay hơi và lên men sinh học tại khu vực các bể: thu gom, điều hòa, tách dầu mỡ, lắng, xử lý bùn, xử lý hiếu khí, xử lý kỵ khí…

Mỗi trường hợp cần xử lý mùi đều phải hiểu rõ nguồn phát sinh mùi và ứng dụng công nghệ, phương pháp xử lý đúng để đạt hiệu quả cao.

Công nghệ xử lý mùi:

Các công nghệ xử lý mùi có thể được phân thành ba loại, đó là các loại sử dụng hóa chất (oxy hóa nhiệt, oxy hóa xúc tác, ozon hóa), vật lý (ngưng tụ, hấp phụ, hấp thụ, tĩnh điện) và sinh học (biofilters, biotrickling filters, bioscrubbers và các phương pháp xử lý sinh học khác)

Các phương pháp xử lý mùi:

  • Phương pháp đơn giản nhất và thủ công nhất là làm loãng khí thải có mùi bằng cách nâng cao chiều cao ống khói thải lên không trung, hòa thêm lượng không khí tự nhiên vào ống khói thải. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp làm loãng mùi ra môi trường chứ không phải là phương pháp lọc sạch mùi.
  • Phương pháp hấp phụ các chất có mùi bằng các loại chất hấp phụ như than hoạt tính (active carbon), đất xốp. Phương pháp hấp phụ được sử dụng chủ yếu trong các trường hợp sau:
    -Xử lý mùi đối với khói, khí thải trước khi thải ra môi trường;
    -Xử lý mùi đối với không khí ngoài trời trong các hệ thống thông gió thổi vào để cấp khí sạch trong nhà xưởng chế biến, sản xuất.
    -Xử lý mùi đối với không khí tuần hoàn: trong hệ thống điều hoà không khí hoặc sưởi ấm bằng gió nóng, lọc mùi trong nhà ăn, phòng bếp.
  • Phương pháp hấp thụ những chất có mùi bằng các dung dịch hoá chất, ví dụ sử dụng tháp hấp thụ ướt. Quá trình hấp thụ có hai dạng: Hấp thụ vật lý: là quá trình hoà tan mùi vào chất lỏng, không có sự thay đổi về thành phần hoá học. Hấp thụ hoá học: là quá trình biến đổi mùi và chất độc thành chất khác do phản ứng hoá học giữa chất hấp thụ và chất được hấp thụ.
  • Phương pháp UV (thiết bị đèn UV khử mùi). Năng lượng của tia UV C có thể phá vỡ được hầu hết các các hợp chất hữu cơ hoặc vô cơ, hợp chất có mùi như benzen, toluene. Dưới sự tác động của tia tử ngoại, những chất độc hại này bị phân huỷ, phá vỡ cấu trúc, biến đổi thành các chất thân thiện như CO2 và H2O.
  • Phương pháp tĩnh điện: tạo điện trường để ion hóa và bắt giữ các hạt lỏng và rắn chứa phân tử mùi.
  • Phương pháp ôxi hoá các chất có mùi bằng các chất ôxi hoá mạnh như ozone công nghiệp. Oxi trong không khí sau khi đi qua thiết bị ozone tạo ra oxi nguyên tử, oxi nguyên tử này kết hợp với oxi không khí tạo ra Ozone (O3) có cấu trúc không bền vững nên dễ bị phân tách thành O2 và O, Nguyên tử O có tính oxi hoá cực mạnh, có khả năng kết hợp với các phân tử gây mùi tạo thành chất mới không gây hại. Phương pháp này có thể kết hợp với tháp hấp thụ nhằm xử lý mùi phát sinh từ nhà xưởng, mùi khói bếp công nghiệp, xưởng sơn, mùi nhà rác… với nồng độ và diện tích lớn.
  • Phương pháp thiêu huỷ các hợp chất có mùi bằng lò đốt hoặc các các lò phản ứng xúc tác. Là phương pháp dùng nhiệt lượng để xử lý mùi. Có thể đốt trực tiếp đảm bảo nhiệt độ từ 600-800oC và dùng khí thiên nhiên để đốt, trong trường hợp có xúc tác , nhiệt độ duy trì ở mức 250-450OC.
    Sản phẩm của quá trình oxi hoá mùi là H2O, CO2 và một số thành phần khác như Nox, SOx.
  • Phương pháp sử dụng các loại chất phụ gia nhằm hạn chế phát sinh mùi (hợp chất kháng mùi) hoặc làm giảm cảm giác khó chịu về mùi (hợp chất che mùi).
  • Phương pháp sinh học: phát triển vi khuẩn ăn chất béo, hữu cơ để xử lý mùi thối (từ khí H2S).
  • Phương pháp ngưng tụ (hay làm lạnh nhằm ngưng tụ các chất gây mùi, hạn chế sự bay hơi.

Xử lý mùi xưởng sơn

Mùi sơn

Mùi sơn là một loại mùi khó chịu và nguy hiểm. Bụi sơn là loại bụi hóa học tổng hợp, có nhiều những hóa chất có trong sản xuất sơn:

  • Chất tạo màng: là thành phần tạo độ kết dính, tạo màng để liên kết các thành phần khác có trong nước sơn để khi sơn có thể tạo ra độ rắn và độ bao phủ thích hợp nhất.
  • Chất tạo màu: đây là những phân tử dạng rắn, mịn và không hòa tan, chúng được phân tán đều cùng với chất tạo màng và còn tồn tại trong màng phủ sau khi được tạo màng.
  • Chất phụ gia: bao gồm những thành phần có tác dụng giúp biến đổi những đặc tính của màng phủ đồng thời chất phụ gia cũng có giúp chống rêu mốc, chống bám bẩn hiệu quả…
  • Thành phần bay hơi: là thành phần chất lỏng có thể là nước hay những dung môi hữu cơ hòa tan. Chất lỏng này sẽ giúp làm lỏng đi vừa phải chất tạo màng và đồng thời giúp bay hơi làm khô sơn sau khi sơn.

Mùi sơn có thể gây ngộ độc. Việc hít hay tiếp xúc mùi, bụi sơn với lượng nhỏ, từ từ cũng gây tác hại đến hệ hô hấp. Ngoài ảnh hưởng đến hen phế quản, việc hít phải mùi sơn còn có thể làm cho bệnh lý xoang nặng nề thêm.

Các xưởng sản xuất có sử dụng phun sơn cần phải xử lý mùi, bụi sơn không để thoát ra môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thực vật và các loài động vật khác.

Xử lý mùi sơn

Để xử lý mùi sơn từ hoạt động phun sơn, sử dụng tháp màng nước để lọc mùi và bụi sơn.

Tháp màng nướng xử lý mùi và bụi sơn hoạt động theo nguyên lý: Quạt hút gió đặt trên buồng sơn tạo ra một luồng khí động theo hướng từ vật thể được phun sơn (phía mặt trước của buồng) tới bề mặt buồng lọc. Bụi sơn và mùi được hút vào màng nước chảy tràn và trôi xuống bể chứa tuần hoàn nằm phía dưới.

Luồng không khí được thoát vào khu vực nội bộ thiết bị phía và bị hút qua quạt, theo đường ống ra điểm xả khói.

Xử lý mùi từ khói bếp

Mùi bếp công nghiệp

Bếp công nghiệp là nơi chế biến những món ăn thơm ngon cho nhà hàng … Tuy nhiên mùi thoát ra từ hệ thống hút khói bếp công nghiệp lại không thơm và rất khó chịu, chưa nói đến sự ô nhiễm và độc hại.

Mùi nấu ăn (phân tử) được tạo ra bởi việc nấu các chất động vật và thực vật dẫn đến một hỗn hợp cực kỳ phức tạp của các khí hữu cơ phản ứng. Một tỷ lệ nhỏ các mùi này có thể được tìm thấy trong các hạt mỡ nhưng phần lớn mùi tồn tại riêng biệt trong dòng không khí dưới dạng hơi.

Trong hệ thống hút – lọc khói, các thiết bị lọc khói ( chặn dầu ướt, lọc khói tĩnh điện, lọc khói than) có thể lọc đến trên 95% khói đen dầu ướt nhưng chỉ lọc mùi được đến 70%.

Xử lý mùi bếp công nghiệp

Mùi ở dạng phân tử, do vậy không dễ xử lý mùi triệt để. Để xử lý hiệu quả mùi bếp công nghiệp, phải kết hợp nhiều phương pháp xử lý trên một hệ thống hút thải khói để xử lý khói – xử lý mùi đạt hiệu quả cao.

Các thiết bị lọc khói như máy lọc khói tĩnh điện rất có hiệu quả trong việc xử lý khói, lọc khói dầu đen ướt không cho thoát ra môi trường. Thiết bị này cũng góp phần giảm bớt mùi có trong khói bếp, hiệu quả giảm mùi qua thiêt sbij lọc tĩnh điện giảm được từ 50% – 65%.

Để xử lý mùi triệt để, hiệu quả cao hơn nữa, cần phải sử dụng thêm một hoặc vài phương pháp tập trung cho việc xử lý mùi như than hoạt tính, ozone công nghiệp, thiết bị UV.

Khi sử dụng máy ozone công nghiệp cần lưu ý các điều kiện kỹ thuật để đạt hiệu quả và các điều kiện an toàn để tránh bị nhiễm độc khí ozone do ozone công nghiệp có nồng độ cao.

Sử dụng thiết bị xử lý mùi UV là một phương pháp hiện đại đạt hiệu quả cao, lắp đặt đơn giản và còn có khả năng diệt vi khuẩn tốt.

Xử lý mùi khí H2S

Mùi khí H2S

H2S là hợp chất khí độc có mùi hôi như trứng thối, sinh ra từ các chất protein bị thối rữa trong quá trình phân hủy một số loại chất hữu cơ, trong các bể kín, đường ống nước rác …

Bể gom nước thải, bẫy mỡ lớn, hố gas từ hệ thống thải nước của nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp, nhà máy chế biến thực phẩm là nơi chứa chất béo, dầu và mỡ trộn lẫn với thực phẩm và chất thải vệ sinh khác cũng tạo ra khí H2S

Tùy theo nồng độ H2S mà độ nguy hiểm của khí này sẽ khác nhau. Do có khả năng tước oxy rất mạnh, khí H2S rất dễ gây ngạt. Theo tài liệu của Cơ quan Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ, nồng độ khí H2S dưới 0,025ppm cho mùi không rõ ràng, tùy người có thể cảm nhận được hay không. Với nồng độ 3 – 5ppm, khí H2S cho mùi rõ ràng hơn, giống mùi trứng thối.

Nồng độ khoảng 100ppm, khí có mùi nặng, gây kích thích màng phổi, nếu hít thở lâu khoảng 1 giờ, mắt và đường hô hấp bị kích thích. Nếu tiếp tục hít trên 8 giờ liên tục có thể gây tử vong. Nồng độ khoảng 400ppm đến 700ppm, khí sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng chỉ trong khoảng 30 phút, nồng độ trên 800ppm có khả năng gây mất ý thức người gặp nạn và có nguy cơ làm tử vong ngay lập tức.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học quốc gia (Mỹ), trong tự nhiên khí H2S có tác động rất mạnh và nhanh đến cơ thể gần giống chất độc xyanua.

Xử lý mùi khí H2S

Để xử lý mùi hôi thối của khí H2S từ các bể gom nước chứa chất thải béo, mỡ, có thể sử dụng máy tiêu hủy FOG và mùi. Máy được thiết kế để đánh tan và tiêu hủy chất béo, dầu, mỡ đã đông cứng trong bể, từ đó sẽ hết hết mùi hôi thối. Sử dụng máy liên tục, không còn mùi hôi tồn đọng.

Với các cơ sở sản xuất khác hoặc trong hoạt động xử lý rác, một phương pháp cho hiệu quả cao là sử dụng than hoạt tính hấp phụ H2S dựa vào sự kết hợp giữa 2 quá trình hấp phụ và oxy hóa giải phóng lưu huỳnh và nước (2H2S + O2 = 2H2O + 2S)

Ngoài ra, sử dụng tháp hấp thụ với NaOH để xử lý khí H2S một cách triệt để, khí thoát ra không còn mùi hôi.

Đối với các hệ bể lớn nằm ngầm dưới lòng đất, ngoài việc sử dụng máy, tăng lượng vi khuẩn ăn chất béo, có thể lắp đặt hệt thống hút thải khí cùng với các thiết bị lọc mùi chuyên dụng trên hệ thống để xử lý sạch mùi.

error: Content is protected !!